Điều trị viêm quanh khớp vai như thế nào?

Viêm quanh khớp vai không còn là bệnh xa lạ với chúng ta, hiện nay rất nhiều người đang mắc phải căn bệnh này mà bản thân không biết. Cùng tìm hiểu về viêm quanh khớp vai và cách điều trị nhé!

Tìm hiểu về viêm quanh khớp vai

Khớp vai gồm 5 khớp nhỏ: khớp vai chính, khớp mỏm cùng cánh tay khớp mỏm cùng – xương đòn khớp ức đòn và khớp bả vai – lồng ngực. Khớp vai có liên quan nhiều đến các rễ thần kinh vùng cổ và phần trên của lưng, liên quan đến các hạch giao cảm cổ. 

Viêm quanh khớp vai là tất cả các trường hợp đau và hạn chế vận động khớp vai do tổn thương phần mềm quanh khớp gồm: gân, cơ, dây chằng, bao khớp, loại trừ tổn thương phần đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch.

Khi có tổn thương vùng đốt sống cổ, vùng trung thất, hay lồng ngực đều có thể gây ra các triệu chứng ở khớp vai như: viêm gân, viêm và co thắt bao khớp gây đau và hạn chế vận động khớp vai.

Đối tượng dễ mắc viêm quanh khớp vai?

Viêm quanh khớp vai thường gặp ở các trường hợp:

– Thoái hóa gân do tuổi tác, thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.

– Do thường xuyên lao động nặng, có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay.

– Do luyện tập thể thao quá sức, thường gặp ở người chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền.

– Do bị chấn thương vùng vai (ngã, trượt…).

– Một số bệnh lý khác như tim mạch, hô hấp, đái đường, ung thư vú…

Diễn biến của bệnh viêm quanh khớp vai

Cơn đau do viêm quanh khớp vai có thể nghiêm trọng, làm giảm biên độ vận động hoặc khiến người bệnh không thể cử động vai. Thông thường bệnh sẽ diễn tiến theo ba giai đoạn sau:

Giai đoạn viêm mạn tính

Đau là biểu hiện điển hình nhất, thường xuất hiện sau khi vận động quá mức hoặc sau những chấn thương nhỏ liên tiếp ở vai. Cơn đau hay xuất hiện vào buổi tối, nhất là khi nằm nghiêng đè vào bên vai bị viêm…

Giai đoạn viêm cấp tính

Cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội. Vai sưng to, nóng, người bệnh có thể thấy khối sưng bùng nhùng. Tình trạng đau sẽ lan toàn bộ vai, lên cổ, xuống tay…. Người bệnh không thể thực hiện các vận động liên quan tới khớp vai, bị mất ngủ do đau nặng về đêm…

Đông cứng khớp vai

Cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều. Khớp vai bị cứng, vận động bị hạn chế hoàn toàn. Quan sát từ phía sau, khi bệnh nhân giơ tay lên sẽ thấy xương bả vai di chuyển cùng một khối với xương cánh tay.

Các phương pháp điều trị viêm quanh khớp vai

Điều trị viêm quanh khớp vai có thể dùng một hoặc nhiều hơn các phương pháp phối hợp như sau:

– Phương pháp châm cứu kết hợp bấm huyệt: châm cứu có tác dụng điều hòa khí, thư giãn, điều trị tình trạng ứ tắc và kém nuôi dưỡng tại gân, cơ. Bác sĩ sẽ châm cứu vào các huyệt tại vùng đau hoặc các kỳ huyệt kết hợp với xoa bóp bấm huyệt sẽ cải thiện rõ rệt tình trạng bệnh.

Bên cạnh đó, việc kết hợp châm cứu với dòng điện xung (điện châm) sẽ tác động vào khối cơ ở khớp vai, thúc đẩy cơ thể sản  sinh chất kháng viêm, giảm đau tại chỗ.

– Phương pháp vật lý: dùng nhiệt tại chỗ như dùng paraffin để chống đau mềm gân; sử dụng sóng ngắn để chống viêm, sóng siêu âm để chống dính cứng tắc nghẽn; điện di novocain hay salicylat để giảm đau chống viêm; điện xung để giảm đau.

– Kéo nắn là phương pháp có hiệu quả tốt, nhất là với thể đông cứng tắc nghẽn, thầy thuốc khám xác định vùng bao khớp co cứng nhiều, kỹ thuật viên vừa kéo giãn khớp vai vừa đẩy chỏm xương cánh tay về cùng phía bao khớp co cứng với lực khoảng 7-10kg để làm giãn phần bao khớp co cứng giải phóng tình trạng kẹt khớp, khi kéo nắn, bệnh nhân không bị đau mới đúng, nếu đau cần chuyển hướng kéo nắn cho thích hợp.

– Tập vận động khớp vai là phương pháp quan trọng giúp bệnh mau hồi phục. Có thể áp dụng một hay nhiều cách tập chủ động, thụ động, tập có dụng cụ hỗ trợ.

+ Tập vận động thụ động: bệnh nhân nằm ngửa hay nằm sấp, tập gấp, tập dạng khép, tập xoay, tập động tác nâng và duỗi khớp vai với sự giúp đỡ của thầy thuốc.

+ Tập vận động chủ động: bệnh nhân tự tập vận động khớp vai theo tầm vận động của khớp gồm các động tác: đưa khớp vai ra trước, lên trên, duỗi khớp vai ra sau, dạng khớp vai ra ngang lên trên, khép khớp vai vào trong.  Có thể tập với dụng cụ như tập với gậy; tập với sợi dây; tập vận động với thang tường; tập với ròng rọc…

Phòng ngừa viêm quanh khớp vai

Có thể phòng ngừa viêm quanh khớp vai bằng các phương pháp sau đây:

– Chăm sóc sụn khớp và xương dưới sụn là việc nên được ưu tiên hàng đầu để giúp các khớp xương khỏe mạnh bằng cách uống nhiều sữa bổ sung canxi và ăn thực phẩm có lợi

– Hạn chế mang vác nặng;

– Tránh thực hiện các động tác lặp đi lặp lại ở vùng vai và cánh tay;

– Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn giữa giờ làm việc để các khớp có thời gian nghỉ ngơi;

– Chế độ ăn uống đủ chất, bổ sung đủ nhu cầu nước và thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để góp phần tăng cường sức khỏe toàn thân và gia tăng sức mạnh xương khớp.

Tóm lại, viêm quanh khớp vai là bệnh lý phổ biến. Bên cạnh các phương pháp Y học hiện đại, bệnh nhân có thể áp dụng các biện pháp điều trị viêm quanh khớp vai bằng Đông y như châm cứu viêm quanh khớp vai hoặc xoa bóp. Liên hệ với Phòng khám chuyên khoa Tâm An để được khám và điều trị tận tình nhé!

>>> Xem thêm: Điều trị đau cổ vai gáy tại Hà Nội hiệu quả rõ rệt