Cẩn thận liệt mặt khi nhiệt độ giảm sâu về đêm

Thời tiết lạnh lẽo, nhiệt độ giảm sâu về đêm có thể làm gia tăng nguy cơ liệt mặt, méo miệng. Vậy nên làm gì để phòng tránh tình trạng này, cùng tìm hiểu nhé!  

Liệt mặt có nguy cơ gia tăng vào mùa lạnh

Giá lạnh, rét buốt đặc biệt vào sáng sớm và ban đêm do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh khiến số người nhập viện do liệt mặt, méo miệng đến bệnh viện điều trị tăng cao.  

Liệt mặt, méo miệng xảy ra do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên không nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại những biến chứng nặng nề nếu như không can thiệp sớm.

Vào mùa lạnh, đặc biệt khi nhiệt độ về đêm giảm sâu thì bên có nguy cơ gia tăng. Nguyên nhân là do  dây thần kinh số VII ngoại biên nằm sát với da, đi song song với mạch máu ở vùng tai. Khi gặp lạnh đột ngột sẽ làm cho mạch máu nuôi dây thần kinh số VII bị co thắt gây hiện tượng máu cục bộ, phù nề. 

Đặc biệt khi tiết trời lạnh khô thì các bệnh tai mũi họng do virus gia tăng, virus này có thể tấn công và gây liệt dây thần kinh số VII ngoại biên.

Liệt mặt, méo miệng do liệt dây thần kinh số VII ngoại biên có thể được cải thiện từ 2 đến 3 tuần nếu ở mức độ nhẹ. Nếu nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể mất từ 3 đến 6 tháng để hồi phục. Căn bệnh này nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại di chứng về thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Lưu ý những dấu hiệu của bệnh

Chứng bệnh liệt mặt, liệt dây thần kinh số VII ngoại biên thường xảy ra một cách đột ngột với những triệu chứng như:

– Khuôn mặt bị lệch sang một bên, khó nói, cười, đặc biệt là khó nhắm mắt, mắt nhắm không được kín

– Một bên mặt rủ xuống, các nếp nhăn, rãnh mũi và má mờ hoặc mất

– Miệng và nhân trung méo về bên lành

– Đau đầu, mất vị giác, chảy nước dãi, nhạy cảm với âm thanh ở phía bị ảnh hưởng

– Đau quanh hàm, trong hoặc sau tai ở bên bị ảnh hưởng

– Thay đổi lượng nước mắt, có thể mắt bị khô quá hoặc nước mắt chảy giàn giụa, nhất là trong hoặc sau bữa ăn.

Lưu ý những yếu tố làm tăng nguy cơ liệt mặt, liệt 7 ngoại biên

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi. Bệnh cũng có khả năng tái phát, bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, một số trường hợp sau có nguy cơ bị bệnh cao hơn, cụ thể:

– Bị cúm hoặc cảm lạnh gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập. 

– Đang mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba, hoặc đang trong tuần đầu tiên sau khi sinh

– Người bị huyết áp cao, tiểu đường và béo phì

– Những người bị liệt dây thần kinh số VII ngoại biên tái phát, có thể liên quan đến di truyền.

Biến chứng nguy hiểm của việc liệt dây thần kinh số 7 

Biến chứng của bệnh

Hầu hết những trường hợp liệt mặt, méo miệng do ảnh hưởng từ dây thần kinh số VII ngoại biên hồi phục mà không để lại biến chứng. Tuy nhiên, nếu điều trị chậm trễ hoặc không đúng cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như:

– Do mắt không thể nhắm kín nên làm tăng nguy cơ loét giác mạc hoặc ảnh hưởng đến thị lực.

– Tổn thương dây thần kinh số VII, ảnh hưởng đến cơ mặt

– Mắc hội chứng “đồng vận”, khi bạn di chuyển một bộ phận nào đó trên khuôn mặt, một bộ phận khác cũng hoạt động theo. Ví dụ, khi bạn cười mắt bị nhắm lại.

Các bài tập phục hồi chức năng

Có thể thực hiện các bài tập sau để cải thiện chức năng của các cơ bị liệt:

– Xoa bóp vùng mặt: dùng 5 đầu ngón tay và lòng bàn tay thả lỏng day, xoa nhẹ nhàng toàn bộ bên liệt theo chiều kim đồng hồ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và ngược lại.

– Tập các cơ vùng mặt qua gương: thổi lửa, nhắm mắt, huýt sáo, nhăn trán, mỉm cười, ngậm chặt miệng, phát âm các từ: U, B, P, I, A.

Cách phòng tránh bệnh liệt mặt khi trời lạnh

Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi. Bệnh cũng có khả năng tái phát. Do đó, để phòng bệnh, quan trọng nhất là:

– Giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. 

– Buổi sáng ngủ dậy nên ở trong phòng ấm 2-5 phút làm quen thời tiết trước khi ra ngoài. 

– Đối với trẻ nhỏ chơi ngoài trời lạnh, cha mẹ cần chú ý cho bé  quấn khăn, đội mũ,mặc ấm, chơi trong thời gian ngắn. 

– Tránh ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải đeo kính bịt mặt, không tắm quá khuya, đeo khẩu trang, che ấm cả hàm, không nên cho các cháu nhỏ ngồi phía trước xe. 

– Sau khi uống rượu, bia, không đi ngoài trời lạnh hay tắm lạnh. 

– Tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.   

Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt trong giai đoạn vàng nhằm hạn chế tối đa di chứng của bệnh.

>>> Xem thêm: Cách điều trị sau tai biến mạch máu não hiệu quả