Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh xương khớp không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi mà tỷ lệ người trẻ mắc bệnh lý này ngày càng tăng. Sở dĩ nhóm bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh là do những thói quen làm việc quá sức và chưa có ý thức bảo vệ sức khỏe. Chính sự chủ quan này khiến bệnh thoát vị đĩa đệm tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết chia sẻ về cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm ở người trẻ giúp chủ động đề phòng trước căn bệnh này.
Bệnh thoát vị đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm là bộ phận nằm giữa các đốt cột sống, có hình dạng giống như thấu kính lồi 2 mặt bao gồm: nhân nhầy (như gel), vòng sợi và sụn. Cột sống có tổng cộng 23 đĩa đệm (5 cổ, 11 lưng, 4 thắt lưng và 3 chuyển đoạn) đảm nhiệm vai trò giúp cho chúng ta có thể linh hoạt chuyển mình, đặc biệt là hấp thụ lực từ các va chạm đến cột sống.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng đĩa đệm bị chèn ép thường xuyên, chèn ép quá mức khiến bao xơ nứt rách và nhân nhầy thoát ra ngoài.
Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý xương khớp được xếp vào loại nguy hiểm nhất với những cơn đau buốt cột sống, tê bì toàn thân, người bệnh còn phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như: rối loạn cảm giác, rối loạn cơ thắt hay teo chi… thậm chí là liệt nửa người.
> Xem ngay cách điều trị thoát vị đĩa đệm
Nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm
- Lão hóa do tuổi tác: Khi tuổi càng cao thì các chức năng của vòng sợi càng suy giảm, mâm sụn dần mất đi khả năng tự tái tạo… Lúc này, nếu cột sống chịu nhiều tác động do chủ quan, khách quan sẽ có thể gây ra thoát vị đĩa đệm.
- Do chấn thương: Bị té ngã, đột ngột đổi tư thế hay các sang chấn tác động không đủ mạnh tới cột sống nhưng lặp lại nhiều lần cũng là nguyên nhân gây ra thoát vị đĩa đệm.
- Thói quen, lối sống: Tập thể dục, chơi thể thao sai tư thế, ngồi quá lâu, ngồi gù, gập, ngủ gối cao, nâng vật nặng sai cách,…
- Đặc thù công việc: Các bệnh nhân đến thăm khám và bị chẩn đoán thoát vị đĩa đệm thường là các đối tượng có nghề nghiệp: Văn phòng, lái xe, công nhân (khuân vác, làm nặng), thợ xây, thợ quét vôi,…
- Nguyên nhân khác: Di truyền, chế độ dinh dưỡng, mang thai lớn, béo phì,..
Cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm
Những căn bệnh xương khớp diễn ra âm thầm và đa số người bệnh đều không nhận thức được bệnh cho đến khi các cơn đau nhức nghiêm trọng xảy ra. Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm, ngay từ giai đoạn 25 tuổi trở đi bạn cần xây dựng thói quen làm việc và vận động khoa học. Bằng cách này sẽ bảo vệ tốt khớp xương của bạn và phòng tránh các nguy cơ tổn thương, thoái hóa hay thoát vị cột sống xảy ra trong tương lai.
Sau đây là những nguyên tắc phòng bệnh thoát vị đĩa đệm cần tuân thủ càng sớm càng tốt:
Nguyên tắc đi lại, ngồi làm việc
– Tư thế đứng: Để giảm tải những trọng lượng thân trên dồn lên cột sống, khi đứng bạn nên dang hai chân cách nhau khoảng 5cm, tạo mũi chân thành hình chữ V. Bạn không ưỡn bụng vì tư thế này sẽ dồn lực nhiều vào thắt lưng, duy trì trạng thái đường cong sinh lý tự nhiên cho cột sống. Ở phụ nữ, việc mang giày hoặc guốc cao gót thường xuyên cũng có thể khiến cột số bị lệch.
– Tư thế ngồi: Ngồi làm việc sai tư thế là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm ở người trẻ tuổi hiện nay. Đặc biệt là ở những người làm việc văn phòng, việc ngồi hàng giờ liên tục và ngồi khom lưng, hoặc quá phụ thuộc vào ghế tựa đều có khả năng làm hư hỏng cấu trúc bình thường của cột sống. Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm, đầu tiên người trẻ cần điều chỉnh lại tư thế ngồi đúng, luôn ngồi với đường lưng thẳng, thay đổi tư thế thường xuyên. Cách mỗi 1 – 2 h bạn nên đứng dậy đi lại để thư giãn cột sống và kích thích mạch máu lưu thông tốt hơn.
– Thói quen mang vác đồ vật: Nếu như bạn thường xuyên phải làm công việc khuân vác, bưng bê vật dụng nặng nên chú ý đến tư thế đúng. Tuyệt đối không khom lưng và ôm vật nặng trực tiếp vác lên người. Đầu tiên cần tạo thế trụ vững cho chân, để hai chân tạo thành tư thế trụ chắc chắn và ngồi xổm để ôm đồ vật rồi mới dùng sức kết hợp bụng, lưng và tay để nâng đồ vật đứng dậy. Khi mang vác bạn cần đảm bảo cho cột sống thẳng, độ ưỡn của lưng không quá lớn làm thay đổi đường cong sinh lý của cột sống.
Nguyên tắc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng đảm bảo khoa học không chỉ có tác dụng nâng cao sức khỏe mà còn phòng ngừa tốt những bệnh lý cột sống xảy ra trong tương lai. Thực tế các nghiên cứu cho thấy, ở những người kén ăn sẽ có nguy cơ thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm sớm hơn so với những người ăn uống đầy đủ chất. Trong đó đối với những bệnh lý về cột sống, nguyên nhân có thể đến từ tình trạng thiếu hụt canxi hoặc khoáng chất. Đặc biệt là những nhóm chất quan trọng như: Canxi, Vitamin D, Magie và vitamin K, Axit béo Omega 3, Glucosamine và Chondroitin
Nguyên tắc rèn luyện thể thao
Vận động và rèn luyện thường xuyên là nguyên tắc phòng tránh thoát vị đĩa đệm hiệu quả nhưng nhiều người trẻ vẫn xem nhẹ. Nhất là những người làm việc văn phòng, hạn chế di chuyển và vận động khiến cơ thể trở nên thụ động, xương khớp thoái hóa dần theo thời gian. Thời gian ngồi càng nhiều và càng ít vận động sẽ rút ngắn thời gian thoái hóa cột sống đến sớm hơn. Thế nên người bệnh cần duy trì một chế độ luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để cơ thể dẻo dai, tăng cường sức bền hiệu quả.
Những bộ môn luyện tập được khuyến khích cho đối tượng người trẻ tuổi rất đa dạng. Trong đó mang đến nhiều lợi ích nhất là các bài tập đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tập gym hay yoga… Ngoài ra nếu như không có thời gian tập luyện, ít nhất bạn nên bỏ ra 30 phút mỗi ngày cho việc đi bộ hoặc vận động tại chỗ sau 1 – 2h làm việc để tạo sự thư giãn cho xương khớp. Bằng cách này sẽ phòng tránh hiệu quả trước nguy cơ thoái hóa và thoát vị đĩa đệm sớm.
Nguyên tắc tránh xa chất kích thích và bia rượu
Thói quen lạm dụng chất kích thích, caffeine và bia rượu quá đà ở người trẻ là một trong những cơ sở hình thành bệnh thoát vị đĩa đệm trong độ tuổi trung niên. Đặc biệt là ở nam giới, khi thường xuyên dùng đến những chất này sẽ tổn hại nghiêm trọng đến cấu trúc xương và gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác.
Để phòng tránh thoát vị đĩa đệm, nguyên tắc quan trọng là bạn cần hạn chế hoặc tốt nhất là không hút thuốc, không dùng chất kích thích, hạn chế rượu bia. Thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để đảm bảo những dấu hiệu tổn thương cột sống sẽ được phát hiện sớm nhất và điều trị ngay từ giai đoạn đầu.
Bài viết tổng hợp những cách phòng tránh thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh khó điều trị dứt điểm một khi các tổn thương đã bắt đầu hình thành. Vì thế phòng bệnh là cách duy nhất để bảo toàn cấu trúc xương khớp khỏe mạnh tự nhiên. Đa số các nguyên tắc phòng bệnh đều đơn giản và dễ dàng thực hiện, quan trọng trên hết là tinh thần chủ động phòng bệnh từ sớm sẽ mang lại những kết quả xứng đáng.