Hiện nay miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết mưa phùn và se lạnh. Thời tiết này tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển, bạn cần đề phòng để tránh mắc phải.
Thời tiết mưa phùn là gì?
Mưa phùn là hình thái thời tiết đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thường diễn ra ở vùng đồng bằng và ven biển miền Bắc của nước ta. Mưa phùn được tạo ra bởi những đám mây tầng thấp gặp không khí lạnh, hơi nước gặp khí lạnh ngưng tụ lại thành những hạt nhỏ hơn hạt mưa và có đường kính nhỏ hơn 0,5mm, sau đó rơi xuống đất tạo thành những cơn mưa phùn.
Những cơn mưa dai dẳng sẽ khiến cho môi trường luôn ẩm ướt dẫn đến nhiều vấn đề về sức khoẻ có thể xảy ra. Những người có sức đề kháng kém và đặc biệt những người có cơ địa dị ứng thời tiết nên cẩn thận vào thời tiết này.
Thời tiết ẩm do mưa phùn cũng là môi trường rất dễ sinh sôi các loại vi khuẩn, virus gây bệnh về đường hô hấp, sốt, phát ban, sởi, thuỷ đậu… cũng như những loại nấm mốc dễ phát triển dễ gây ra dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp.
Thủy đậu: Bệnh thủy đậu gây ra bởi virus Varicella Zoster với sự xuất hiện của các nốt nhỏ, tròn mọc khắp cơ thể. Người mắc thủy đậu sẽ có cảm giác ngứa ngáy bởi các mụn nước.
Thời tiết ẩm ướt chính là điều kiện tốt cho nguồn bệnh phát triển và lây lan. Bệnh thủy đậu không quá nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách, các nốt thủy đậu có khả năng bị nhiễm trùng, để lại sẹo và thậm chí còn dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi hay viêm màng não.
Sốt vi rút: Trẻ em là đối tượng dễ mắc sốt virus nhất. Căn bệnh này rất dễ lây lan, có thể tạo thành dịch, vì vậy, nếu gia đình có trẻ nhỏ bị sốt virus, nên cho trẻ nghỉ học, cách ly và có các biện pháp chăm sóc hợp lý để tránh kéo dài bệnh.
Bệnh sởi: Sởi là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, bệnh này lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Tuy lành tính nhưng nếu không có chế độ chăm sóc và điều trị kịp thời nó có thể gây thành các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phế quản, thậm chí có trường hợp dẫn tới tử vong. Dịch sởi thường bùng phát vào những ngày thời tiết ẩm ướt.
Những bệnh hay mắc phải vào ngày nồm ẩm
Bệnh đường hô hấp: Các vi khuẩn gây bệnh, nấm, vi sinh vật phát tán mạnh trong không khí có độ ẩm cao khiến các bệnh về đường hô hấp cũng tăng nhanh trong thời tiết này.
Các căn bệnh hô hấp thường gặp phải do thời tiết nồm ẩm gây ra là viêm phổi, hen phế quản, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp.
Đau mắt đỏ: Bệnh do virus gây ra nên rất dễ lây lan qua tiếp xúc, đặc biệt tại các môi trường công sở đông người…
Nếu được phát hiện và điều trị đúng, bệnh sẽ khỏi sau 4-5 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ quan, điều trị không đúng cách, bệnh rất dễ biến chứng thành viêm, loét giác mạc dẫn đến bệnh khó điều trị hơn. Khi bị đau mắt đỏ nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh bệnh có diễn tiến lâu dài và khả năng gây biến chứng nguy hiểm.
Viêm nhiễm vùng kín: Thời tiết không khô ráo khiến quần áo cũng vì thế mà luôn trong tình trạng ẩm, mốc, là điều kiện tốt để nấm mốc sinh sôi, nảy nở. Điều này khiến cho nhiều người mắc phải các căn bệnh ở vùng kín như ngứa ngáy, viêm nhiễm.
Bệnh về da: Độ ẩm không khí cao trong là điều kiện thích hợp cho các loại vi khuẩn lây lan và phát triển, gây ra các căn bệnh khó chịu như viêm da và dị ứng da.
Bệnh tiêu chảy cấp: Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy cấp chủ yếu là do nhóm virus đường ruột như virut Rota, các loại vi khuẩn, vi nấm hay kí sinh trùng. Bệnh có tính lây nhiễm cao và thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời, trẻ dễ bị mất nước và dẫn tới tử vong.
Đề phòng bệnh trong thời tiết nồm ẩm
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng bệnh dễ mắc trong thời tiết mưa phùn người dân cần:
Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.
Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…).
Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Liên hệ với Phòng khám chuyên khoa Tâm An để được tư vấn và khám chữa bệnh kịp thời nhé!
>>> Xem thêm: Điều trị thoái hóa khớp gối bằng châm cứu