Sử dụng đèn hồng ngoại để hỗ trợ điều trị một số bệnh liên quan đến đau ngày càng phổ biến bởi sự tiện dụng mà nó mang lại.
Đèn hồng ngoại hỗ trợ điều trị được những căn bệnh gì?
- Hỗ trợ điều trị các bệnh viêm mãn tính như viêm khớp, viêm gân, thoái hóa khớp, áp xe…
- Điều trị phù nề do viêm, chèn ép, do chấn thương
- Đau nhức xương khớp, đau do thần kinh ngoại vi
- Co thắt cơ, cơ tăng trương lực
- Vết thương liền chậm
- Giảm đau, giảm co thắt cơ trong các chứng đau mãn tính: đau thắt lưng, đau cổ vai cánh tay, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn, đau khớp,…
- Làm giãn cơ giúp các kỹ thuật trị liệu khác như xoa bóp, tập vận động dễ dàng hơn.
Tai biến thường gặp nhất khi sử dụng chiếu đèn hồng ngoại tại nhà là bỏng da do cường độ tia chiếu quá cao hoặc để đèn chiếu quá gần, hoặc do rơi đèn lên người. Một số tai biến khác ít gặp hơn như: hoại tử da, đau đầu, ngất, táo bón, ớn lạnh, điện giật, đục thủy tinh thể…
Do đó, để tránh các tai biến và những biến chứng xảy ra, nên dùng đèn hồng ngoại đúng chỉ định và đúng kỹ thuật. Đặc biệt, không dùng đèn hồng ngoại cho các trường hợp sau:
- Chấn thương cấp tính hoặc các bệnh lý cấp tính vì nhiệt trị liệu ở giai đoạn này sẽ làm tăng sự phù nề và ứ đọng dịch
- Các trường hợp bị bướu lành hoặc ác tính vì sẽ làm tăng nhanh sự phát triển của bướu
- Các nhiễm trùng sâu, bệnh nhân có bệnh dễ bị chảy máu, bệnh nhân bị giảm hay mất cảm giác nóng, lạnh
- Những bệnh nhân có bệnh lý mạch máu như xơ vữa động mạch…