Cảnh báo bệnh bạch hầu, người dân chớ chủ quan

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu chưa có miễn dịch.

Những đối tượng nào cần đặc biệt chú ý bệnh bạch hầu?

Những đối tượng sau cần đặc biệt lưu ý bởi có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bệnh bạch hầu:

– Trẻ em
– Phụ nữ mang thai
– Người từ 50 tuổi trở lên
– Người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận…

Trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh nền mạn tính đều có hệ miễn dịch yếu, không có khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn bạch hầu khi chúng xâm nhập cơ thể.

Biểu hiện khi mắc bệnh bạch hầu

Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh, bệnh bạch hầu sẽ có các biểu hiện khác nhau.

–  Viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

–  Khám thấy có giả mạc. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc mầu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.

–  Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên và thần kinh cảm giác hoặc viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%.

Biến chứng nguy hiểm

  • Viêm cơ tim;
  • Viêm dây thần kinh;
  • Viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp;
  • Tử vong.

Biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

–  Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch;

–  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; cần che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh;

–  Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng;

–  Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

–  Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân, vì vậy cần chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng vắc-xin.