Thiếu máu não là tình trạng bệnh phổ biến hiện nay và ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Bệnh gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm nên bạn cần phải hết sức cẩn trọng.
Tìm hiểu về thiếu máu não
Thiếu máu não là tình trạng máu lên não kém, làm cho các tế bào não không được cung cấp đầy đủ oxy và những dưỡng chất cần thiết, khiến cho các tế bào không có đủ năng lượng để thực hiện chức năng sống của chính nó.
Thiếu máu não thường khởi phát với những biểu hiện nhẹ, khó nhận biết và có thể tăng dần theo thời gian. Tình trạng thiếu máu não thường gặp ở người cao tuổi, những người có bệnh lý nền về tim mạch, mạch máu. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ người trẻ gặp tình trạng thiếu máu não đang ngày một tăng.
Thiếu máu lên não khởi phát do đâu?
Tình trạng thiếu máu lên não bắt nguồn do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đa số là do tình trạng xơ vữa động mạch gây ra, các mảng xơ vữa tích tụ với nhau làm cho lượng máu lưu thông qua khu vực xơ vữa bị hẹp tắc, làm hẹp lòng mạch và gây ra tình trạng thiếu máu lên não. Ngoài ra, thiếu máu lên não còn có thể xảy ra bởi một vài nguyên nhân khác như:
– Tăng huyết áp: Thành mạch bị giãn ra, xuất hiện các tổn thương làm phình mạch, chảy máu não và hình thành các cục máu đông cản trở lưu thông máu lên não.
– Các bệnh lý về tim mạch: Là nguyên nhân làm cho khả năng bơm máu lên não bị ảnh hưởng và gây tình trạng thiếu máu não.
– Các bệnh lý cột sống, đốt sống cổ như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa đốt sống,… gây chèn ép mạch máu khiến cho lượng máu được đưa lên nuôi dưỡng não bị thiếu hụt.
Nhận biết căn bệnh thiếu máu não
Đau đầu
Đau đầu là triệu chứng đầu tiên và cũng là thường gặp nhất của căn bệnh thiếu máu não. Hầu hết bệnh nhân thiếu máu não có xảy ra tình trạng đau nhức đầu, thông thường là các cơn đau nhức xảy ra bất chợt với tần suất ngày càng phổ biến hơn theo mức độ bệnh. Ban đầu có thể chỉ xuất hiện đau ở 1 vùng cố định, nhưng khi tình trạng thiếu máu tăng lên, cơn đau sẽ lan dần ra khắp đầu.
Tình trạng đau đầu xảy ra thường xuyên hơn nếu đột ngột di chuyển, tâm lý căng thẳng, suy nghĩ nhiều hoặc khi vừa ngủ dậy.
Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ cũng là triệu chứng thường gặp nhất của những người bệnh thiếu máu não, tình trạng này thường nặng dần ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Rối loạn giấc ngủ thường gặp là: khó ngủ, ngủ chập chờn, hay mơ, dễ bị tỉnh giữa giấc,…
Chất lượng giấc ngủ kém kéo dài khiến sức khỏe người bệnh giảm sút, tinh thần cũng không tỉnh táo, dễ cáu gắt, kích động.
Ù tai, hoa mắt, chóng mặt
Ở người thiếu máu não, tình trạng ù tai xảy ra ngay cả khi bạn ngồi trong phòng hoặc ở không gian không có gió, yên tĩnh. Cảm giác hoa mắt khiến người bệnh không thể đứng vững. Khi cơn choáng váng xảy ra, người bệnh phải dựa vào tường để giữ thăng bằng hoặc có thể ngã nếu không tìm được chỗ dựa.
Tay chân tê bì, nhức mỏi
Những người bệnh thiếu máu não cũng thường có triệu chứng tê bì các đầu ngón tay, chân do máu nuôi đến các khu vực này cũng bị ảnh hưởng. Cảm giác tê ngứa giống như kiến bò khiến người bệnh vô cùng khó chịu, nó có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Ngoài ra, triệu chứng này có thể đi kèm với những cơn đau dọc xương sườn, vai gáy, lạnh sống lưng,… gây khó khăn trong sinh hoạt, công việc.
Trí nhớ bị suy giảm
Não là bộ phận vô cùng quan trọng, tế bào não không được cung cấp đủ năng lượng hoạt động thường xuyên dẫn tới tình trạng lão hóa tăng lên, hoạt động và chức năng não cũng bị suy giảm. Trong đó, chứng suy giảm trí nhớ là xuất hiện sớm nhất và nặng nhất, khiến bệnh nhân nhanh quên mọi việc, gây nhiều rắc rối cho cuộc sống cũng như công việc.
Điều trị và phòng ngừa thiếu máu lên não như thế nào?
Hiện nay trên thị trường chưa có loại thuốc nào giúp điều trị thiếu máu não một cách dứt điểm. Do đó, việc dự phòng và cải thiện bệnh khi có những dấu hiệu nhẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng để kiểm soát hiệu quả.
Dưới đây là những lời khuyên tốt nhất giúp phòng ngừa, kiểm soát tình trạng thiếu máu lên não mà người bệnh cần ghi nhớ:
– Thường xuyên vận động thường xuyên để quá trình lưu thông máu đến não tốt hơn. Với người bệnh thiếu máu não, cần vận động ít nhất 30 phút/ngày với những bài tập vừa phải, phù hợp với thể trạng như đi bộ, kéo giãn cơ thể, tập yoga, khiêu vũ, đạp xe đạp…
– Xây dựng một chế độ ăn uống đủ các dưỡng chất cần thiết, trong đó chú ý bổ sung đủ sắt để tăng cường quá trình tạo máu, thực phẩm giàu omega 3 như các loại cá tuyết, cá hồi, cá trích, cá mòi, tảo biển…, các loại thực phẩm giàu polyphenols như đậu, hạt, trà, ca cao…, thực phẩm giàu nitrat (rau diếp, cải bó xôi…).
– Hạn chế mỡ động vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, phụ gia thực phẩm, các chất kích thích (rượu bia, cà phê, thuốc lá…)
– Thay đổi lối sống một cách tích cực. Suy nghĩ lạc quan và cố gắng giảm tối đa các căng thẳng, stress, lo âu có thể gặp phải. Thường xuyên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn cơ thể, tránh làm việc quá sức. Ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
– Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bệnh lý tiềm ẩn hoặc nguy cơ mà có thể bạn chưa biết.
>>> Xem thêm: Điều trị di chứng sau tai biến mạch máu não