Thời tiết mưa nắng thất thường mùa hè tạo điều kiện cho nhiều căn bệnh nguy hiểm phát triển và bùng phát mạnh mẽ. Cùng tìm hiểu những căn bệnh thường xuyên xuất hiện khi thời tiết oi nóng nhé.
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết hiện nay đang bùng nổ mạnh mẽ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Triệu chứng thường gặp ở bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là sốt cao đột ngột 39-40 độ C, khó hạ sốt, kéo dài 2-7 ngày, nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, tụt huyết áp, đau bụng, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra.
Người bệnh thường có biểu hiện nhức đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Bệnh thường lây truyền trong khoảng 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Quá trình mắc bệnh có thể kéo dài từ 7-10 ngày hoặc lâu hơn tùy cơ địa và cách chăm sóc.
Mặc dù căn bệnh không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng khi những mụn nước vỡ ra rất dễ nhiễm trùng da, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não. Đặc biệt phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.
Mùa hè rất dễ mắc phải thủy đậu nên bạn cần phòng và tránh bệnh bằng việc hạn chế tiếp xúc người bị bệnh để phòng tránh lây lan. Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu, không nên chủ quan mà cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.
Đừng quên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý và tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em là biện pháp phòng bệnh an toàn và hiệu quả nhất.
Bệnh tay chân miệng
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh thường có biểu hiện sốt, loét miệng, đau họng, lở loét lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn chân, bàn tay, gối, mông. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.
Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh khá nguy hiểm với phụ nữ mang thai nên cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý là không như những bệnh khác chỉ nhiễm 1 lần mà một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét.
Bệnh Sởi
Bệnh sởi là căn bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây ra, thường xảy ra ở trẻ em, bệnh xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa hè. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân.
Mặc dù đây là loại bệnh lành tính nhưng trẻ mắc bệnh rất dễ bị biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy…. vì nó có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh. Nặng hơn, nó có thể diễn biến nặng hoặc tử vong nên không được chủ quan.
Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi vacxin. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi.
Bệnh cúm A
Mùa hè năm nay, cúm A bùng phát vô cùng mạnh mẽ. Tuy trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng.
Để phòng tránh dịch bệnh, cần
– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi hắt hơi, họng hàng ngày bằng nước muối.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
– Tiêm vacxin cúm mùa phòng bệnh.
– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
– Khi có triệu chứng sốt, ho, đau đầu, sổ mũi, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử lý kịp thời.
>> Xem thêm: Cẩn trọng khi cúm A tăng đột ngột